Việc có hiệu lực sớm Luật Đất đai từ 1-7 sẽ góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới.
Góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai
Dự thảo tờ trình của Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ Luật Đất đai được kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025. Riêng với các điều 190 và điều 248 của luật đã có hiệu lực từ ngày 1-4.
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần nghị quyết 18 của trung ương.
Để tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 nghị định và 4 thông tư, Bộ Tài chính được phân công chủ trì soạn thảo 3 văn bản gồm 2 nghị định và 1 thông tư.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công chủ trì soạn thảo 1 nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được phân công chủ trì soạn thảo 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ được phân công chủ trì soạn thảo 1 thông tư.
Hiện nay các bộ được phân công đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai.
Đối với các địa phương, quyết định cũng đã phân công cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc khẩn trương ban hành các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật.
Dự thảo nêu rõ việc có hiệu lực sớm của Luật Đất đai sẽ góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai.
Góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết sửa đổi, bổ sung điều 252 Luật Đất đai, quy định về hiệu lực của luật để có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Trong góp ý về dự thảo, Bộ Tư pháp cho rằng trường hợp để luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 cần sửa đổi quy định tại khoản 1 điều 252 của luật.
Việc sửa đổi quy định này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội (luật hoặc nghị quyết).
Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị lựa chọn hình thức và xây dựng dự thảo văn bản theo đúng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, đề nghị rà soát, đánh giá kỹ để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thi hành luật, đặc biệt là đảm bảo tiến độ ban hành và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã hoàn thiện dự thảo tờ trình của Chính phủ và dự thảo nghị quyết của Quốc hội theo hướng sửa đổi khoản 1 điều 252 của Luật Đất đai.
Phải chuẩn bị đồng bộ các văn bản dưới luật
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-7.
Ông nêu rõ Luật Đất đai là bộ luật rất khó, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Cừ, Luật Đất đai trước, một số phương pháp xác định giá đất để đền bù, kể cả các vấn đề đấu thầu có những tồn tại, dẫn đến những sai phạm, bất cập.
Do đó, theo ông Cừ, việc Luật Đất đai có hiệu lực sớm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, để luật có thể thi hành sớm, ông Cừ cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành phải có sự chuẩn bị rất đồng bộ từ các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật Đất đai như nghị định, thông tư để cùng triển khai, thực hiện.